Húng Láng Và Húng Quế. Phân Biệt Các Loại Rau Húng
1573 lượt xem
Rau húng là loại rau gia vị đã quá quen thuộc trong những bữa cơm của người Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn mơ hồ về những loại rau húng này, hoặc khó phân biệt các loại với nhau. Để biết cách phân biệt húng láng và húng quế thì cùng GANI tham khảo bài viết sau nhé!
Rau Húng Láng Là Gì?
Húng láng là tên gọi của các loại rau húng nói chung, có hương thơm the mát đặc biệt. Húng láng có lá nhỏ, ít răng cưa, thường mọc lan thành từng khóm. Lá màu xanh thẫm, cuống lá và gân lá màu tím. Thân cây cũng mang màu tím, tròn và không có lông. Lá mùi thơm dịu. Húng láng có hoa nhưng không có hạt.
Loại rau húng này là đặc sản của làng Láng, xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh thuộc kinh thành Thăng Long xưa. Húng láng từ lâu đã được nhắc đến trong văn chương nói về ẩm thực Hà Nội:
“ Dưa La, Húng Láng, Ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, Sâm cầm hồ Tây”
Húng láng thường dùng trong các món xào, hoặc ăn kèm cùng những loại rau thơm khác. Loại rau này còn làm tăng hương vị cho món phở, bún, mì…Chỉ cần thiếu loại gia vị này thì món ăn sẽ mất hẳn vị ngon riêng biệt.
Khi dùng để ăn sống thì húng láng thường ăn kèm với xà lách, rau mùi, bạc hà, kinh giới…Các món thường dùng là bún chả, nem, cá nấu…
Húng láng có hàm lượng dinh dưỡng cao. Một số thành phần có thể thống kê được như sau:
- Calories: 44kcal
- Lượng carb: 8.41g
- Chất béo: 0.73g
- Protein: 3.29g
- Sắt: 11.87mg
- Mangan: 1.118mg
- Đồng: 0.240mg
- Kali: 458mg
- Riboflavin: 0.175mg
- Pyridoxine: 0.158mg
- Vitamin C: 13.3mg
- Cholesterol: 0mg
- Vitamin B5: 0.061mg
- Vitamin B6: 0.041mg
Không chỉ là loại rau thơm giàu dinh dưỡng, húng láng còn có nhiều ý nghĩa đối với y học bởi những tác dụng tốt cho sức khỏe của nó.
Húng láng chứa nhiều chất chống oxy hóa cùng các hợp chất khác như eugenol, methyl eugenol và caryophyllene giúp tăng khả năng nhạy cảm với insulin, làm giảm mức đường huyết nên có khả năng điều trị tiểu đường hiệu quả.
Ngoài ra húng láng còn giúp bảo vệ tim mạch, trị cảm sốt, ngăn ngừa stress, phân hủy sỏi trong thận, trị đau đầu và chữa những bệnh về đường hô hấp…
Xem thêm: Rau Húng Quế Là Gì? 9 Tác Dụng Cần Biết Của Rau Húng Quế
Rau Húng Quế Là Gì?
Húng quế là một loại húng tây có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Húng quế cũng thuộc họ hoa môi (Lamiaceae), tên khoa học là Ocimum basilicum L.
Hùng quế là cây thân thảo mọc hàng năm, có chiều cao từ 40-50 cm. Thân cây nhẵn mịn, màu tím và không có lông.
Thảo mộc này có lá hình xoan, mọc đối, chồi hay đâm ra từ nách lá. Lá thường có màu xanh, hoặc đôi khi là màu tím đen nhạt. Mặt trên lá bóng còn mặt dưới nhạt hơn, mép nguyên hoặc hơi khía càng. Phần cuống lá tương đối dài. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành chùm hoặc phân nhánh. Rễ cây mọc lông, lan ra khắp mặt đất.
Húng quế chứa nhiều đạm, có khoảng 6% lượng protein, trong đó có chứa nhiều acid amin quan trọng như: Tryptophan, methionine, leucine. Trong tinh dầu có linalool (60%), cineol, estragol methyl-chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.
Húng quế chứa nhiều vitamin và khoáng chất, cũng như các chất chống oxy hóa như lutein, zeaxanthin, beta-carotene và beta-cryptoxanthin. Nhiều lợi ích sức khỏe của húng quế đến từ những chất chống oxy hóa này.
Húng quế dùng để ăn kèm trong rất nhiều món. Từ bún, phở, mì, bánh cuốn, bánh ướt, bánh hỏi… đến các món nhậu như tiết canh, thịt ngan vịt luộc hay quay, lòng lợn luộc, …cũng thường có húng quế ăn kèm cho đúng vị.
Một điều cực kì thú vị nữa đó là hạt húng quế chính là hạt é thường dùng trong các món chè. Hạt é không những được dùng trong các món chè mà còn được làm thành đồ uống (nước hạt é đường phèn, mủ trôm hạt é,…) để giải khát, giải độc và để làm đẹp.
Bên cạnh hai loại rau húng thường thấy là húng láng và húng quế thì vẫn còn một vài loại nữa khiến chúng ta rất dễ nhầm lẫn. Cùng xem đó là những loại húng gì và cách phân biệt các loại rau húng như thế nào nhé!
Rau húng lủi
Húng lủi hay còn được gọi với những cái tên dân dã khác như húng lũi, húng nhủi, húng dũi… và có tên khoa học là Mentha aquatica.
Húng lủi có mép lá khía răng cưa, lá hơi tròn màu xanh, mọc đối xứng nhau. Thân màu nâu tía, chia thành từng đốt chừng 2cm. Húng lủi thuộc loại thân thảo, mọc bò thành chùm dưới đất.
Hoa thành vòng có cuống, đài to, tràng có lông ở trong ống; 4 nhị dài bằng nhau, vòi chẻ đôi ở ngọn. Quả bế có mụt mịn.
Cây húng lủi chứa 0,8% tinh dầu gồm các este (như methyl aceat) 22.41% alcol tự do (như menthol) 28,53% và ceton (như methone) 0,77%. Menthofuran là thành phần chính (40%), ngoài ra còn có piperitone, menthone và pulegone.
Cũng như những loại rau húng gia vị khác, húng lủi dùng để ăn sống hoặc chế biến với nhiều món để tạo nên hương vị đặc biệt, đây là loại rau không thể thiếu với các món tiết canh. Húng lủi rất dễ trồng, thường được các gia đình trồng trong thùng xốp nhỏ để ăn hàng ngày.
Húng lủi cũng là một loại thảo mộc dùng để chữa bệnh rất hiệu quả. Một vài tác dụng tiêu biểu có thể kể đến như tăng cường hệ tiêu hóa, giúp sáng da, ngăn ngừa mụn nhọt, kháng viêm, trị vết côn trùng cắn, bảo vệ sức khỏe răng miệng, trị viêm họng hiệu quả, là vị thuốc giải cảm, điều trị hen suyễn và trị nám và quầng thâm mắt…
Rau húng chanh
Húng chanh còn có tên gọi khác Tả thủ hương, Tần dày lá… Đây là một loại rau thơm khá phổ biến, được nhiều người biết đến.
Húng chanh có lá hình bầu dục, thuôn dài. Một đăc điểm nhận dạng rất dễ để phân biệt húng chanh với các húng khác là ở mép lá. Các loại húng khác có mép lá răng cưa nhưng húng chanh lại có mép lá rất nhẵn mịn, thành một đường liền bao quanh lá.
Gân chính to, gân bên nhỏ, 4-5 đôi, gân hình mạng nổi rõ ở mặt dưới lá. Lá có mùi thơm dễ chịu như mùi chanh, vị chua. Cuống lá dài 2-4 cm, hình lòng máng, có lông. Cây rất hiếm khi thấy ra hoa.
Thân cây vuông nhưng cạnh không sắc nhọn, có một lớp lông trắng mỏng mịn bao quanh thân cây. Húng chanh cao từ 20 đến 40 cm. Các lá cây mọc đối xứng nhau và có màu xanh nhạt. Hoa của húng chanh ít khi pha tím mà thường thuần trắng. Mùa hoa nở bắt đầu khi hè sang.
Cây có gốc ở quần đảo thuộc khu vực Mã Lai, được trồng làm gia vị và làm thuốc. Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đó. Lúc trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá sâu hay lá già úa vàng, đem phơi nắng nhẹ hay sấy ở 40-45oC đến khô.
Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol; còn có một chất màu đỏ là colein.
Húng chanh có nhiều công dụng. Mùi hương dễ chịu giúp giảm căng thẳng lo âu, vậy nên thường được chiết xuất thành tinh dầu để thư giãn.
Húng chanh có chứa một loại Coletin đặc biệt, có khả năng kháng lại các vi khuẩn ở vùng họng, mũi, miệng và đường ruột. Hơn nữa, Húng chanh còn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, mau lành vết thương. tính chất kháng sinh mạnh, ức chế nhiều loại vi khuẩn gây viêm đường hô hấp như Staphyloccocus, Streptococcus, D.pneumoniae…
Ngoài ra húng chanh còn có một số tác dụng khác như: cải thiện chức năng thận, giảm đau bụng kinh ở nữ giới, giảm viêm khớp, giảm hội chứng ruột kích thích… Thật nhiều lợi ích vượt trội đúng không nào!
Các loại rau húng tuy có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe. Nhưng nếu không sử dụng đúng cách và đúng liều lượng thì có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn như hạ đường huyết, làm loãng máu… Vậy nên bạn có thể tìm hiểu những cách sử dụng và hàm lượng sao cho hợp lý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nhé!